Nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế

      87

Các nguyên tắc quản trị có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước. Bài viết đề cập khái niệm, vai trò, nội dung các nguyên tắc quản trị nhà nước... và ý nghĩa đối với việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính ở Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Bạn đang xem: Nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế

*

Khái niệm, vai trò của nguyên tắc quản trị nhà nước

Khái niệm

Nguyên tắc quản trị là phạm trù cốt lõi trong quản trị tổ chức nói chung, quản trị nhà nước nói riêng. Nguyên tắc quản trị nhà nước là các quy định, quy tắc chuẩn mực do các chủ thể quản trị nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm yêu cầu, bắt buộc các chủ thể tham gia quản trị nhà nước và các đối tượng quản trị nhà nước phải tuân thủ, chấp hành và thực hiện thống nhất nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước.

Vai trò của nguyên tắc quản trị nhà nước

Nguyên tắc quản trị nhà nước là yếu tố bảo đảm khả năng hướng đến mục tiêu là bảo đảm sự thành công và hiệu lực, hiệu quả của quản trị nhà nước; là công cụ định hướng, dẫn dắt và thống nhất các hành vi của các chủ thể và đối tượng trong quản trị nhà nước. Các nhà quản trị nhà nước thường sử dụng các nguyên tắc quản trị nhà nước như là các công cụ định hướng, dẫn dắt các hành vi của nhân viên dưới quyền trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, thông qua đó tạo ra sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động, giúp quản trị nhà nước đạt được hiệu quả cao.

Các nguyên tắc quản trị nhà nước còn có vai trò vừa bảo đảm quyền lực, quyền uy của chủ thể quản trị nhà nước; vừa bảo đảm mở rộng dân chủ, quyền tham gia của các đối tượng vào quản trị nhà nước, tham gia tư vấn, phản biện cho chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch sử dụng các nguồn lực quản trị nhà nước. Như vậy, thông qua áp dụng các nguyên tắc quản trị nhà nước còn góp phần nâng cao tính pháp quyền và tính dân chủ trong quản trị nhà nước; đồng thời hỗ trợ việc ban hành quyết định quản trị nhà nước. Có hệ thống các nguyên tắc chuẩn mực, chặt chẽ sẽ giúp giảm thiểu và đơn giản hóa các quyết định quản trị nhà nước, nhờ đó các nhà quản trị có nhiều thời gian tập trung vào các quyết định mang tính sáng tạo và đổi mới, hạn chế việc ban hành các quyết định mang tính sự vụ; giúp cho quá trình phát hiện vấn đề, quyết định và ra quyết định quản lý nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các nguyên tắc quản trị nhà nước còn là căn cứ để chủ thể quản trị nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quản trị nhà nước, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước. Tuân thủ các nguyên tắc quản trị nhà nước chính là tôn trọng tính khách quan của các quan hệ trong quản trị nhà nước.

Các nguyên tắc quản trị nhà nước chủ yếu

Nguyên tắc mục tiêu (bảo đảm hướng tới đạt được mục tiêu)

Quản trị nói chung, quản trị nhà nước nói riêng đều nhằm hướng tới mục tiêu đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Mục tiêu là cái đích chủ thể hướng tới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững và phục vụ đắc lực người dân. Nguyên tắc này yêu cầu khi hoạch định, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược thể chế, chính sách cũng như kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong quản trị nhà nước phải tuân thủ và hướng tới đạt được mục tiêu quản trị có hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở sử dụng các phương pháp quản trị hiện đại, khoa học và hợp lý.

Nguyên tắc chuyên môn hóa

Đây là một trong những nguyên tắc được sử dụng để thiết kế bộ máy quản trị nhà nước. Nguyên tắc này đòi hỏi các hoạt động của bộ máy quản trị nhà nước phải được chuyên môn hóa và phân nhóm các chức năng, nhiệm vụ cho các bộ phận cấu thành bộ máy quản trị nhà nước đảm nhận. Chuyên môn hóa các hoạt động hay các chức năng, nhiệm vụ là căn cứ xác định cơ cấu tổ chức của bộ máy quản trị nhà nước.

Chuyên môn hóa phân công lao động tạo ra các ngành hay lĩnh vực quản trị nhà nước; tuy nhiên cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ chung của quản trị nhà nước. Sự phối hợp này kết hợp giữa các bộ phận tổ chức trong bộ máy quản trị nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của chủ thể quản trị nhà nước cao nhất. Chuyên môn hóa và phân nhóm các chức năng là mô hình phổ biến của mọi tổ chức, trong đó có tổ chức bộ máy quản trị nhà nước. Mỗi tổ chức luôn tự xác định những mục tiêu nhất định. Theo đó, cơ quan, tổ chức phải có những bộ phận đảm nhận, đồng thời phải có các chuyên gia của những lĩnh vực chức năng đó. Tùy thuộc vào mục tiêu, quy mô của tổ chức mà xác định số lượng các bộ phận chức năng khác nhau.

Ngoài ra, nguyên tắc chuyên môn hóa còn đòi hỏi phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và khả năng điều hành để thực hiện các mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của quản trị nhà nước một cách có hiệu quả. Vì vậy, những người làm việc trong bộ máy quản trị nhà nước phải nắm vững chuyên môn nghề nghiệp ở vị trí công việc của mình; biết liên hệ, hợp tác với những bộ phận khác. Trong quản trị nhà nước, mối quan hệ giữa các bộ phận, tổ chức và nhân viên thừa hành phải được xác định rõ ràng, đồng thời cần phân cấp, phân công hợp lý các chức năng quản trị, bảo đảm sự cân xứng giữa các chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ phận tổ chức cấu thành bộ máy quản trị nhà nước. Điều này cho phép các nhà quản trị có thể độc lập giải quyết các nhiệm vụ/công việc trong phạm vi chức năng của mình.

Do đó, tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hóa trong quản trị nhà nước sẽ tạo ra bộ máy hợp lý, hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của quản trị nhà nước.

Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Đây là một trong các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt, quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Nguyên tắc này đòi hỏi quản trị nhà nước phải tuân thủ pháp luật. Pháp luật là cơ sở để các chủ thể quản trị nhà nước triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm trật tự kỷ cương và hiệu quả của quản trị nhà nước. Pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và mọi chủ thể, mọi đối tượng quản trị nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc trong bộ máy nhà nước vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân thì phải bồi thường thiệt hại.

Xem thêm: Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát: Hiện Thân Của Cứu Độ Tự Tại, Top Hình Ảnh Tượng Phật Quan Âm Đẹp

Mặt khác, quản trị nhà nước theo tinh thần Nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi các quy định của pháp luật phải rõ ràng, đầy đủ; bảo đảm tính khách quan, công bằng, tạo thành khung pháp lý an toàn để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Quản trị nhà nước theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải có hệ thống tòa án xét xử độc lập, công bằng và khách quan. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể quản trị nhà nước, nhất là vai trò và trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là chủ thể quản trị nhà nước cao nhất; yêu cầu xác định đúng mục tiêu, đối tượng và mối quan hệ giữa chủ thể quản trị nhà nước với đối tượng quản trị nhà nước là người dân. Điều này đòi hỏi phải xác định chính xác mục tiêu cao nhất, mục tiêu cuối cùng của quản trị nhà nước là phục vụ người dân và sự phát triển của đất nước.

Nguyên tắc tập trung dân chủ

Đây là nguyên tắc cơ bản của quản trị nhà nước, phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể và đối tượng, cũng như yêu cầu và mục tiêu của quản trị nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định trước hết sự lãnh đạo tập trung đối với các vấn đề cơ bản, cốt yếu, bản chất nhất của quản trị nhà nước như hoạch định, xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện chiến lược, pháp luật, chính sách quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong quản trị nhà nước ở Trung ương. Trung ương giữ quyền thống nhất quản trị những vấn đề cốt yếu, cơ bản nhất, đồng thời thực hiện phân cấp quản trị, giao quyền hạn, trách nhiệm cho cấp dưới đi liền với điều kiện bảo đảm thực hiện phân cấp quản trị, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng và hiệu quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phân cấp cho cấp dưới.

Nguyên tắc mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tham gia của các chủ thể trong xã hội, nhất là người dân vào quản trị nhà nước

Đây là nguyên tắc mang tính đặc trưng của mô hình quản trị nhà nước tốt là tăng cường, huy động và bảo đảm sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội, tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ vào quản trị nhà nước. Các cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể tham gia vào các hoạt động quản trị nhà nước, như tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định, chiến lược, pháp luật và chính sách trong quản trị nhà nước; tư vấn, phản biện cho pháp luật, chính sách của các chủ thể quản trị nhà nước bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức hợp pháp. Nguyên tắc này có vai trò và ý nghĩa bảo đảm cho thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quản trị nhà nước có chất lượng, sát thực tế, khả thi cao, tránh lãng phí các nguồn lực của nhà nước và xã hội. Đồng thời, tạo ra đồng thuận xã hội cao - yếu tố quyết định bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước.

Nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình

Mục tiêu của quản trị nhà nước là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, phục vụ đắc lực người dân. Để đạt được mục tiêu này quản trị nhà nước, phải tuân thủ nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nguyên tắc này yêu cầu trong quản trị nhà nước việc phục vụ người dân phải bảo đảm công bằng, bình đẳng đối với mọi đối tượng khác nhau trong xã hội, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính... Nguyên tắc công khai, minh bạch yêu cầu các hoạt động quản trị nhà nước phải liên tục thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, dễ hiểu, dễ truy cập khai thác sử dụng đến mọi người dân và các tổ chức trong xã hội. Trách nhiệm giải trình yêu cầu các chủ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc trong bộ máy quản trị nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải công khai giải trình về các hoạt động, về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của mình trước người dân và các cơ quan, tổ chức đại diện hợp pháp của người dân trước công luận. Đối với các chủ thể quản trị nhà nước ở Trung ương với tư cách vừa là lãnh đạo, nhà hành chính, nhà quản trị, trách nhiệm giải trình của họ về các hoạt động của mình trong quản trị nhà nước còn là trách nhiệm chính trị của họ trước Nhà nước và người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình đó không thể thực hiện nếu thiếu đi tính minh bạch, đầy đủ, chính xác và hệ thống trong các quy định pháp luật, chính sách. Trách nhiệm báo cáo, giải trình là nguyên tắc, là yêu cầu thiết yếu trong quản trị nhà nước hiện đại, các chủ thể ban hành và thực hiện pháp luật, chính sách không chỉ có trách nhiệm giải trình đối với cơ quan cấp trên, cơ quan dân cử mà còn có trách nhiệm giải trình đối với người dân, các tổ chức xã hội, công chúng và các bên có liên quan về các quy định của pháp luật, chính sách đó. Thực hiện đúng các yêu cầu của nguyên tắc này có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản trị nhà nước.

Nguyên tắc thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường quản trị nhà nước

Quản trị nhà nước tốt, có hiệu quả là các chủ thể quản trị có thể đối mặt và giải quyết thành công mọi thay đổi. Những thay đổi có thể diễn ra bên trong hệ thống quản trị nhà nước của mỗi quốc gia, cũng có thể có sự tác động của môi trường quốc tế, trước xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học và công nghệ, trước xu hướng trình độ dân trí phát triển, yêu cầu và đòi hỏi mở rộng dân chủ ... đòi hỏi quản trị nhà nước phải có sự thay đổi linh hoạt, không chỉ thể hiện ở sự kịp thời, đúng đắn của các quyết định quản trị, quy định của pháp luật và chính sách được ban hành mà còn biểu hiện rõ nét ở khả năng, sự sáng tạo, linh hoạt đưa ra các giải pháp, các quyết định quản trị có chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi và mong đợi của người dân.

Nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả

Là nguyên tắc đặc biệt quan trọng (sau nguyên tắc mục tiêu), hai nguyên tắc này chi phối toàn bộ các nguyên tắc khác, yêu cầu tất cả các hoạt động triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quản trị nhà nước phải tuân thủ nghiêm túc và hướng tới để đạt được. Vì mục tiêu, mục đích cao nhất và cuối cùng của quản trị nhà nước là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Hiệu lực trong quản trị nhà nước thể hiện tính pháp lý, tính uy quyền của quản trị nhà nước. Nguyên tắc hiệu lực yêu cầu trong quản trị nhà nước phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, pháp luật phải là công cụ quản lý, quản trị hiệu quả, bảo đảm trật tự kỷ cương, sức mạnh pháp lý và quyền uy của quản trị nhà nước.

Nguồn lực của quản trị nhà nước là hữu hạn, trong khi các yêu cầu, nhiệm vụ ngày một tăng và khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các chủ thể quản trị nhà nước phải khai thác, sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực. Nguyên tắc hiệu quả yêu cầu phải đạt được kết quả nhất định với chi phí và độ rủi ro thấp nhất, hoặc là đạt được kết quả dự kiến trong điều kiện chi phí nguồn lực thấp nhất. Nói một cách cụ thể, quản trị nhà nước có hiệu quả là quản trị mang lại các kết quả đáp ứng được nhu cầu của xã hội với việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhất các nguồn lực, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Quản trị nhà nước có hiệu quả là phải tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp cho kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nguyên tắc phân cấp, phân quyền

Phân cấp, phân quyền là giải pháp, phương pháp quản trị nhà nước hiện đại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước. Phân cấp, phân quyền trong quản trị nhà nước là việc cơ quan cấp trên có thẩm quyền phân cấp chuyển giao một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình cho cơ quan cấp dưới theo quy định của pháp luật, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới trong thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền phân cấp. Đồng thời, cơ quan cấp trên khi phân cấp, nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan cấp dưới phải bảo đảm chuyển giao các nguồn lực, điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, còn cơ quan cấp dưới được phân cấp phải chịu trách nhiệm trước cơ quan đã phân cấp và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp trên cho cơ quan cấp dưới và việc xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp phải bảo đảm quyền quản trị nhà nước tập trung ở cấp Trung ương và chủ động, sáng tạo của cơ quan cấp dưới. Ngoài ra, thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản trị nhà nước giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước ở Trung ương. Đồng thời, tạo điều kiện và các nguồn lực để các cơ quan quản trị nhà nước cấp dưới thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ.

Nguyên tắc phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền

Chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền là cơ sở xác định mục tiêu, định hướng chính trị của quản trị nhà nước; là căn cứ để các chủ thể quản trị nhà nước xác định chiến lược, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong quản trị nhà nước. Vì vậy, nguyên tắc này yêu cầu các chủ thể quản trị nhà nước xác định mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp khi hoạch định chiến lược, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn lực quản trị nhà nước phải căn cứ vào chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền. Khi chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền thay đổi thì mục tiêu, đường hướng chính trị, các nhiệm vụ và phương pháp quản trị nhà nước cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Năng lực, vai trò của các chủ thể quản trị nhà nước được thể hiện ở khả năng thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền thành mục tiêu, định hướng chính trị, các nhiệm vụ và giải pháp của quản trị nhà nước./.